Mục Lục
TẠI SAO LẠI LÀ PLAYDOUGH
Playdough đã trở thành một món đồ chơi phổ biến hàng ngày trong tất cả các trường học ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến và tại Neverland Kindergarten các bạn cũng có playdough để chơi hàng ngày, bởi không chỉ đơn giản là trẻ rất thích và có thể chơi mỗi ngày cùng sự sáng tạo không ngừng của các cô giáo mà còn bởi nó mang tới nhiều lợi ích cho quá trình phát triển của trẻ.
Trên thị trường hiện nay rất phong phú các loại playdough để ba mẹ lựa chọn bổ sung cho phòng chơi của bé yêu tại nhà. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu nó có an toàn cho con? Vậy thì hôm nay Neverland Kindergarten_Malaguzzi Creative House xin giới thiệu với ba mẹ cách làm playdough sống và chín trong 10 phút mà bé có thể chơi cả tháng (với playdough chín) TUYỆT ĐỐI AN TOÀN và lại là khoảng thời gian ba mẹ cùng con học_ chơi rất thú vị.

LỢI ÍCH KHI TRẺ CHƠI NẶN PLAYDOUGH
Tất cả chúng ta đều biết rằng đất nặn là món đồ chơi phổ biến và được trẻ em yêu thích, nhưng ích lợi của trò chơi “bừa bộn” này là gì thì không ít các bậc phụ huynh chẳng hề nghĩ tới. Dưới đây là những lợi ích khi trẻ chơi playdough và cả những cơ hội học tập diễn ra trong quá trình trẻ chơi.
Khi trẻ nhỏ chơi với đất nặn/ bột nặn (hay thực tế là bất kỳ một loại bột nào) sẽ có rất nhiều lợi ích, tác dụng tuyệt vời được chia theo từng lĩnh vực phát triển của trẻ như sau:

Phát triển vận động tinh:
Tính chất mềm dẻo, dễ nhào nặn của đất làm cho nó trở nên thu hút đối với trẻ em, và một cách tự nhiên trong quá trình chơi với đất nặn là quá trình rèn luyện các sợi gân, cơ nhỏ nhất ở đôi bàn tay trẻ, là bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc cầm bút cũng như sử dụng kéo một cách khéo léo hơn ở giai đoạn tiếp theo sau.

Một phần đơn giản của trò chơi như là: ấn, cán, nhào nặn, lăn bột, bằm, cắt miếng, rạch, bứt vụn, chọc thủng… mỗi một hành động đều có sự bổ trợ theo một cách khác nhau giúp cho trẻ phát triển vận động tinh, chưa kể đến sự phối hợp tay – mắt và khả năng tập trung. Và ngay khi bạn thêm một thành phần khác vào trò chơi với đất nặn, danh sách các lợi ích và khả năng chơi sáng tạo tiếp tục phát triển thêm!

Đây là ví dụ những thành phần chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng để trẻ chơi đất nặn có thể thêm vào. Chúng có thể đưa thêm vào từng thứ hoặc là tất cả ^^.
Có rất nhiều cách thức để chúng ta mở rộng sự hứng thú và khả năng chơi vô tận của trẻ. Ví dụ: Đưa vào những cành cây nhỏ là tạo thêm thách thức và kĩ năng về mặt vật lí; Ấn một củ tỏi vào miếng đất nặn sẽ khiến trẻ tăng sự tò mò và ngạc nhiên khi thấy sự thay đổi hình dạng của nó (được thể hiện trên miếng đất nặn) cũng như việc trẻ sử dụng một loạt các vận động thô trong khi chơi…
Cung cấp cho trẻ một hộp đựng các loại hình dạng có thể giúp trẻ liên tưởng đến trò chơi nấu ăn, phân loại, ghép hình tương ứng, sắp xếp theo thứ tự hoặc đếm… Tất cả đều là quá trình học tập tự nhiên không áp lực.
Cung cấp cho trẻ các nguyên liệu chơi từ thiên nhiên đa dạng về kết cấu, màu sắc, hình dạng giúp chúng có được những trải nghiệm đa giác quan và gắn bó với thế giới xung quanh chúng theo một cách hoàn toàn mới mẻ.

Sử dụng lá cây, 1 vài cây hương liệu ở trong vườn, pasta và cùng với bột nặn là trẻ có thể tạo thành những chiếc bánh pizza bột nặn!
Danh sách những món bạn có thể thêm vào trong trò chơi với đất nặn của trẻ (đây không phải là danh sách hoàn chỉnh hay bắt buộc, chỉ là khi thêm những món này vào trong trò chơi với đất nặn cho trẻ sẽ giúp tạo ra nhiều hứng thú chơi hơn cho những giờ chơi mở):
- Đồ chơi của trẻ
- Ống hút
- Cây cán bột, dao nhựa, kéo, đồ cắt bánh pizza
- Khuôn làm bánh cupcake các kích thước khác nhau
- Lông chim màu tự nhiên hoặc được nhuộm màu
- Quả thông, cành cây, miếng vỏ cây, lá cây
- Cốc giấy của bánh muffin, hộp giấy đựng trứng, hộp đựng socola
- Những cốc thủy tinh nhỏ
- Các chữ cái, số, hình hoặc khuôn bánh quy
- Pasta các loại hình
- Các loại vỏ sò
- Các loại khuy áo
- Các viên sỏi thủy tinh
- Xe đồ chơi
- Số, chữ cái bằng gỗ
- Vải vụn, miếng lưới, dải ru-băng
- Que diêm hay que nhựa tròn

Phát triển trí tưởng tượng và óc sáng tạo:
Ngay khi bạn giới thiệu với trẻ trò chơi đất nặn mở cùng với việc thêm vào những món đồ khác nhau, việc chơi đất nặn sẽ trở thành phương tiện hoàn hảo giúp trẻ phát triển các trò chơi sáng tạo khác đồng thời tái hiện lại những điều mà mắt trẻ thấy qua sản phẩm.
Như một cốc nến với khay bánh cupcake sẽ khiến trẻ có liên tưởng tự nhiên tới trò chơi Tiệc sinh nhật, đếm số ngọn nến và hát. Những viên sỏi thủy tinh có thể khiến trẻ liên tưởng tới một bờ biển nhỏ trong thế giới tưởng tượng của mình với sự liên kết từ câu chuyện được kể về các sinh vật sống dưới biển và nàng tiên cá xinh đẹp!
Nó có thể là tiệm chocolate ngọt lịm, tiệm bánh ngọt và bánh mì, cỏ và đất bùn ở trong vườn, cát hoặc là kem lạnh bên bãi biển, đất, sỏi, đá hoặc tuyết ở vườn thú/ trong rừng già/ trang trại/ dưới đại dương … Một danh sách dài bất tận theo trí tượng tượng phong phú của trẻ.

Không chỉ thêm đồ vật, bạn còn có thể thêm mùi hương cho món bột nặn mà trẻ chơi theo danh sách này:
- Hương liệu và màu thực phẩm, màu nước
- Bột ca cao
- Bột gừng
- Bột quế
- Bột nghệ
- Nước ép quả
- Các loại tinh dầu…
Hoặc tạo thêm hiệu ứng xúc giác với:
- Gạo
- Các loại hạt ngũ cốc
- Mạt cưa
- Cát
- Sỏi
- Muối biển hạt lớn
- Pasta vụn
- Kim tuyến…
Giúp trẻ bình tĩnh và thư giãn:
Bất kỳ người lớn nào đã từng chơi với đất nặn có thể cho bạn biết rằng hiệu quả của việc nhào đất, ấn, ép, bóp, nặn… là cách tuyệt vời để bạn giải tỏa stress và cảm giác giống như đang được điều trị tâm lí thật nhẹ nhàng. Trong quá trình lớn lên, một đứa trẻ cũng phải trải qua quá trình đấu tranh để học cách thể hiện cảm xúc của mình và sử dụng đất nặn trong khi chơi, trò chuyện và ca hát thật sự hữu ích cho quá trình này của trẻ.

Phát triển toán học và chữ cái:
Một khi trẻ hứng thú và chơi say mê, thì chơi đất nặn sẽ là một cách tuyệt vời để thông qua đó tương tác cùng trẻ về chữ cái và con số. Trẻ có thể tạo ra các chữ cái, đánh vần tên của mình, tạo ra các con số, tạo ra các hình ảnh 2 chiều hay hình nổi 3 chiều, so sánh chiều dài/ độ dày/ trọng lượng, đếm, ghép hình tương ứng, phân loại theo màu sắc và vô vàn nhiều những ý tưởng khác nữa.

Tạo hình chữ cái mà trẻ ấn tượng với chữ cái gỗ được in trên đất nặn và trang trí bằng các hạt nhựa màu sắc.
Khám phá khoa học:
Thực tế cho thấy khi bạn chơi bột nặn cùng với trẻ là quá trình giúp trẻ rèn luyện kĩ năng đặt câu hỏi cũng như dự đoán kết quả. Ví dụ: “Ở đây chúng ta có một số nguyên liệu rắn (là bột mì, muối) giờ chúng ta sẽ thêm vào một số chất lỏng (dầu ăn, nước). Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta có thể tạo thành thứ gì?”
Những đứa trẻ được khám phá và quan sát sự thay đổi trang thái của nguyên liệu bằng thực tế, được trải nghiệm để tìm kết quả cho những thắc mắc của chúng từ việc từng nguyên liệu rời dạc kia, khi kết hợp với nhau tạo ra một hỗn hợp lúc đầu nhão, dính rồi sau đó mịn
màng và có thể vo thành một cục bột nặn tròn. Đối với chúng ta quá trình này có thể hết sức bình thường, nhưng trong đôi mắt và dưới bàn tay của một đứa trẻ đó lại là quá trình biến hóa kì diệu.
Tạo ra bột nặn theo một công thức nào đó, dưới sự hướng dẫn, đong đếm, khuấy, trộn các nguyên liệu và việc dành thời gian để hợp tác với người lớn trong một hoạt động lại là tất cả những trải nghiệm quan trọng và có giá trị đối với trẻ.
Hết sức đơn giản mà lại thật diệu kì đó chính là BỘT NẶN! Do đó, hãy bắt đầu sử dụng nó như là một phần hoạt động mở đầu một ngày mới trong công việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ!

Ba mẹ có thế thấy rằng chỉ với một trò chơi đơn giản, con bạn có thể vận dụng được rất nhiều kiến thức mà con học được. Trong bài viết lần sau Trường Neverland sẽ chia sẻ cho ba mẹ cách làm Playdough chín.
Chúng tôi hy vọng qua trò chơi này, ba mẹ và trẻ sẽ có những khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau
Chúng tôi ở đây để đồng hành trên hành trình LÀM CHA MẸ của bạn !