Mục Lục
1. Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?
- Đây là giai đoạn phát triển tâm lí bình thường của trẻ khi lên 3_khi trẻ có sự thay đổi cách nhìn nhận về bản thân mình và môi trường xung quanh.
- Tùy theo mỗi trẻ mà giai đoạn khủng hoảng này có thể bắt đầu sớm hay muộn hơn khi trẻ 3 tuổi cũng như nó kéo dài hay nhanh chóng kết thúc.

2. Các biểu hiện để nhận biết trẻ đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3
- Trẻ thể hiện sự cáu kỉnh, không hài lòng về mọi thứ
- Trẻ mè nheo, quấy khóc, ăn vạ, la hét
- Trẻ luôn làm ngược lại với những gì cha mẹ/ người lớn nói
- Trẻ đòi hỏi bất chấp một điều, một vật hay một việc gì đó cho dù cha mẹ có giải thích nhiều lần.

3. Nguyên nhân cho những biểu hiện này là do:
- Trẻ nảy sinh xung đột tự thân khi mà con có nhiều nhu cầu song khả năng thực tế của trẻ lại không đáp ứng được cũng như chưa có đủ ngôn ngữ để diễn đạt mong muốn, suy nghĩ của mình.
- Trong trẻ dần xuất hiện nhiều loại cảm xúc hơn, ngoài những cảm xúc của giai đoạn trước đó như: đói, khát, buồn, vui thì ở giai đoạn này trẻ có cảm xúc xấu hổ, tự hào, ghen tị, thất vọng…

- Trẻ muốn được người khác chú ý tới mình.
- Đặc biệt là trẻ nhận thức được rõ hơn việc mình là một cá thể riêng biệt, khác với người khác và muốn tách ra khỏi người lớn, mà thường thì cha mẹ không thích hoặc chưa chuẩn bị tinh thần cho việc này nên dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con.

4. Những cách làm giúp cha mẹ cùng con vượt qua khủng hoảng:
Khi quan sát thấy trẻ có những biểu hiện như trên và cha mẹ hiểu được nguyên nhân gốc rễ những hành vi “bướng bỉnh, khó chịu” này của trẻ sẽ giúp chúng ta tìm ra cách để cùng con bước qua giai đoạn khủng hoảng một cách dễ dàng, đồng thời cũng là giúp cho chính các bậc phụ huynh không bị stress với những cơn khủng hoảng của con.
Đây cũng là giai đoạn vàng đóng vai trò lớn trong việc định hình hành vi, tính cách của trẻ, do đó cha mẹ đừng nên xem nhẹ. Hãy dành thời gian cho con hợp lí và biến nó thành những khoảng thời gian vui vẻ nhất có thể với những gợi ý sau từ trường Neverland:

- Ở thời kì này, trẻ có những cung bậc cảm xúc phức tạp hơn, do đó, cha mẹ hãy cùng con tập gọi tên cảm xúc mà trẻ đang có và tìm cách hữu hình để thổi bay nó đi.
Ví dụ: Trẻ đang chơi với chiếc xe ô tô điều khiển và “tạch”, chiếc xe dừng lại không chạy nữa, con của bạn khóc gào lên, dậm chân bịch bịch xuống sàn và thậm chí còn muốn ném đi chiếc điều khiển từ xa mặc cho cha mẹ cố gắng giải thích.
Lúc này, cha mẹ hãy dùng lời nói ôn tồn, nhẹ nhàng giúp trẻ trấn tĩnh lại như: “Ba/ mẹ biết là con đang không vui vì trò chơi bị dừng lại. Con mang xe và chiếc điều khiển lại đây để ba/ mẹ kiểm tra, liệu động cơ của xe có bị trục trặc gì không …ồ, ba/ mẹ đoán là chiếc điều khiển này bị hết pin, chờ chiều mát ba/ mẹ với con sẽ xuống siêu thị để mua pin để thay nhé!”
Việc kéo trẻ ra khỏi cảm xúc đang có và chú tâm vào một việc làm tích cực sẽ là cách cha mẹ dạy trẻ vượt qua cảm xúc của mình không phải chỉ trong tình huống hiện tại và khi nó được thực hiện nhiều lần sẽ giúp trẻ hình thành được hành vi để có cách ứng xử tốt hơn trong cuộc sống sau này.

- Hãy luôn giữ được sự bình tĩnh khi nói chuyện với con, việc cha mẹ mất bình tĩnh sẽ khiến cho cảm xúc của trẻ leo thang rất nhanh và tình huống sẽ khó được xoa dịu hơn.
- Cha/ mẹ hãy cho con quyền tự quyết định (trong giới hạn mà ba/ mẹ vạch ra) Ví dụ: “Con muốn cầm theo đồ chơi ra ngoài, ba/ mẹ đồng ý. Con hãy chọn lấy 1 chiếc xe mà con thích” và rồi “Hoặc con mang 1 chiếc xe, hoặc là không chiếc nào”
- Hãy dũng cảm để con gào khóc, ăn vạ rồi tự nín 1 lần để trẻ biết “nước mắt không phải là vũ khí”

- Có nhiều lúc ba mẹ phải lờ đi những hành động tiêu cực của con, bởi nhiều trường hợp, trẻ làm vậy để thu hút sự chú ý của ba mẹ, và nếu ba mẹ chú ý đến hành động đó thì trẻ sẽ tiếp tục làm. Nên thay vì chú ý thì chúng ta cần lờ đi hành động đó, chuyển sự chú ý của chúng ta vào trẻ khi trẻ làm những việc bình thường và đưa ra lời động viên, khen ngợi.
Điều này dần dần trẻ nhận ra mình không cần làm những hành động như khóc gào, ăn vạ mới được ba mẹ chú ý tới mình và chúng sẽ quên dần những hành động đó.
- Đọc cho trẻ nghe những cuốn sách về cảm xúc cũng là một gợi ý không tồi. Ba mẹ có thể tham khảo những cuốn sách hay dành cho trẻ như: Guess, how much I love you?; The I love you book; The way I feel… với bản tiếng Anh, tiếng Việt hoặc song ngữ.

Chúc ba mẹ cùng bé sẽ có nhiều thời gian vui vẻ, đáng nhớ bên nhau!
Ngoài ra tại Neverland Trẻ 3 tuổi vượt qua giai đoạn khủng hoảng khá dễ dàng với sự đồng hành của các cô giáo lớp Little Penguin. Với chương trình giáo dục lấy trẻ làm trọng tâm các Cô giáo luôn quan tâm, gần gũi và hiểu được tâm sinh lí của trẻ để tương tác với các con khi ở trường.
Từ đó có những tư vấn kịp thời để giúp phụ huynh hỗ trợ trẻ tại gia đình, tạo sự nhất quán trong phương pháp giáo dục để trẻ phát triển được thuận lợi nhất
>>> Tham khảo ngay: lớp Little Peguin dành cho bé từ 2.5 – 4 tuổi.