Mục Lục
Trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ, chắc hẳn không thể thiếu đi một hành động đó là KHEN. Tuy nhiên, khen trẻ thế nào cho đúng? Cần phải tuân thủ những nguyên tắc gì để việc khen ngợi trẻ trở thành một việc làm hữu ích, có giá trị cao? Chỉ cần sắp xếp lại một chút là bạn sẽ thấy mọi thứ rõ ràng và đơn giản hơn nhiều trong việc khích lệ một đứa trẻ.
1. Lí do bạn khen con là gì?
- Tiện miệng thì khen, khen theo phản xạ. Khen cho xong để con đi chỗ khác chơi.
- Tôi quan sát hành động của con, tôi động viên để con biết rằng tôi quan tâm đến việc con làm.
- Tôi đánh giá cao việc con tôi vừa làm được, bất kể kết quả của nó như thế nào nhưng tôi thấy con tôi đã nỗ lực để làm nó. Tôi tự hào về việc con làm và tôi muốn con biết điều đó. Nó hẳn sẽ khiến con tôi vui vẻ và hạnh phúc thay vì băn khoăn mình có làm tốt hay không.
- Con tôi sẽ trưởng thành và con sẽ sống trong các mối quan hệ, tôi muốn con học cách động viên lại người khác khi con lớn hơn.
Bốn ý rất rõ ràng và tôi nghĩ mình không cần phân tích từng cái. Hãy thận trọng trong lời nói mà bạn trao cho trẻ, bởi nó cũng là hành trang cho con khi trưởng thành.

2. Khen con đúng lúc và đúng cách
Khi con có hành động đẹp, tốt, làm xuất sắc một việc gì đó. Đương nhiên rồi. Song trong một số tình huống hay với một số trẻ, thậm chí, tôi vẫn khuyến khích các phụ huynh gửi lời tán dương con ngay cả khi con họ làm những hành động bình thường nhưng phù hợp tình huống.

Bạn tiếc gì một lời khen nào, nếu như bạn khích lệ con đúng cách và nó mang tới niềm vui cho con, cho con sự khuyến khích để duy trì những hành động phù hợp ấy.
Ví dụ: Con chủ động đưa chiếc ô tô trên tay mình cho bạn hàng xóm khi bạn tới nhà chơi chung; biết dẹp mấy món đồ chơi vào rổ khi giờ chơi kết thúc. Nhiều người sẽ thốt lên “Ôi, việc đó thì có gì để mà khen” Ấy, hãy cảm thấy biết ơn khi bạn có thể thốt ra câu nói đó, bởi điều này đồng nghĩa với việc bạn đang có một đứa trẻ tuyệt vời ở trong nhà.
Bạn sẽ thấy khác nếu bạn có một em bé cương quyết giữ món đồ chơi của mình không chịu cho con của bạn mình mượn khi hai bà mẹ dẫn con đi cafe, dù món đồ ấy bình thường con không thèm ngó ngàng. Hay bạn luôn lắc đầu ngao ngán nhìn căn phòng vừa mất 30 phút để dọn dẹp lại trở về hiện trạng cũ chỉ sau 5 phút con vào phòng.

Khi trẻ làm gì đó tạo ra sản phẩm (tôi cần lưu ý quý vị phụ huynh ở đây về định nghĩa sản phẩm_“thứ” mà trẻ sờ tay vào mà tạo ra BẤT KỂ ĐÓ LÀ GÌ CŨNG LÀ SẢN PHẨM nhé) Ví dụ:
- Mặt sau tờ lịch hoặc thậm chí là trên một tờ giấy dày đặc chữ in + bút sáp + bàn tay của trẻ + thời gian = Một bức tranh.
- Một hạt vòng + một sợi dây + bàn tay của trẻ + thời gian = Một chiếc vòng (mà vòng cổ hay vòng tay thì phụ thuộc vào câu trả lời của trẻ)
Hãy dành thời gian để nghe con nói về Sản Phẩm của mình, mỗi sản phẩm của con đều mang 1 câu chuyện mà chúng muốn “kể”, nó là cách để các bé diễn đạt suy nghĩ của mình dưới một hình thức khác. Do đó, nếu bạn thờ ơ, nhìn qua loa sản phẩm của con ở lứa tuổi mầm non là bạn đang chặn đứng mong muốn chia sẻ suy nghĩ của chúng với cha mẹ. Rồi tới khi con ở lứa tuổi dậy thì, bạn đừng thắc mắc “Con tôi không còn chia sẻ/ nói chuyện/ tâm sự với tôi nữa” nhé.

Sau khi thực sự nghe con “nói” về sản phẩm của mình, bạn hãy đưa ra lời tán dương/ nhận xét nếu sản phẩm đó ĐẸP theo những tiêu chí khác nhau một cách chân thật ví dụ:
- Mẹ rất thích ý tưởng bức tranh của con, chú chó tên Nhím Xù nghe thật là ngộ nghĩnh. Mà con vội khi tô màu à? Mẹ thấy một số chỗ màu tô bị lem ra ngoài…
- Ô, đây là gì thế con? Chiếc vòng cổ với 1 hạt vòng làm điểm nhấn cũng độc đáo. Mẹ cảm ơn chiếc vòng con gái xâu tặng mẹ. Giờ mẹ và con hãy xâu một chiếc vòng khác để dành cho con, và 2 mẹ con mình sẽ mang vòng đi dạo công viên buổi chiều nay nhá.

Dành cho con lời động viên, khích lệ cho sự nỗ lực của con trong QUÁ TRÌNH làm một việc/ sản phẩm nào đó thay vì chỉ nhìn vào kết quả “Con trai, tòa lâu đài con đang xếp bị nghiêng từ phần dưới này nên khi con xếp nó cao thêm thì nó sẽ bị đổ thôi. Không sao đâu con, hãy thử lại và xây từng phần thật cẩn thận nhé. Mẹ đánh giá cao thời gian mà con tập trung để xây dựng công trình này của mình, điều đó rất tốt!
Hãy cụ thể khía cạnh mà bạn khen con chứ đừng đưa ra những lời tán dương chung chung. Ví dụ:
- Thay vì “Ôi tranh đẹp quá” hãy dành cho con nhiều sự quan tâm hơn “Ôi, mẹ thích bức tranh của con. Màu sắc của nó thật rực rỡ“.
- Thay vì “Con vẽ rất đẹp” mà hãy nói “Con vẽ đẹp lắm, mẹ thấy màu con tô đậm nét, hài hòa và không bị lem màu nữa“
- Đừng chỉ nói vài chữ như “Mẹ thấy thích lắm” hãy nói với con rằng “Mẹ thích chiếc vòng này. Con có nghĩ nó hợp với chiếc đầm màu trắng của mẹ không?“
- Hay đổi từ “Con giỏi quá ” thành “Con trai xây tòa lâu đài giỏi quá. Lần này nó đã rất cao mà vẫn thật vững chãi, không bị đổ sụp nữa rồi. Hoan hô!”

Đừng biến con thành đứa trẻ kiêu ngạo khi cứ mãi nhận được lời khen (mà nhiều trong số đó là không thực) Việc tán dương trẻ đúng cách sẽ giúp con được động viên, khuyến khích kịp thời cho những hành động/ nỗ lực của mình. Con hiểu được đúng bản chất vấn đề cũng như khả năng của mình trong từng việc chứ không phải được nâng lên “mây xanh” và ảo tưởng về bản thân. Khen con đúng cách bạn sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin bởi trẻ hiểu được khả năng của mình.
Tại Neverland với sự đồng hành của các cô giáo lớp Little Penguin và chương trình giáo dục lấy trẻ làm trọng tâm sẽ gần gũi và hiểu được tâm sinh lí của trẻ để tương tác với các con khi ở trường.
Từ đó có những tư vấn kịp thời để giúp phụ huynh hỗ trợ trẻ tại gia đình, tạo sự nhất quán trong phương pháp giáo dục để trẻ phát triển được thuận lợi nhất
Chúng tôi ở đây để đồng hành trên hành trình LÀM CHA MẸ của bạn.
>>> Tham khảo ngay: lớp Little Peguin dành cho bé từ 2.5 – 4 tuổi.