DẠY TRẺ HỌC CÁCH CHIA SẺ THẬT DỄ DÀNG

Trẻ nghỉ dịch và thường có một cuộc nội chiến xảy ra trong các gia đình giữa bọn trẻ với nhau, cùng với nó là tiếng khóc lóc, la hét, tiếng léo nhéo “méc tội” của chị, của em khiến các bậc phụ huynh khó lòng tập trung khi work from home. Thậm chí là cuộc chiến giữa trẻ và cha mẹ, khi mà em bé 2 tuổi cứ nhất quyết phải leo lên bàn cùng với mẹ để gõ gõ máy tính “làm việc”. Cha mẹ than phiền và bối rối khi cứ xử lý xong tình huống này thì lại phát sinh tình huống khác. Vậy có cách nào để chấm dứt tình trạng này mang tính lâu dài hay không?

Nhiều bậc cha mẹ than phiền “Bé không biết chia sẻ đồ chơi với bạn” “bé rất ích kỉ” … và trong một số tình huống khi trẻ cứ cương quyết giữ món đồ của mình “Của con mà” và không cho bạn mượn trong các cuộc gặp gỡ giữa các gia đình khiến nhiều ba mẹ ngượng ngùng, bối rối.

Trước tiên, tôi mong rằng ba mẹ sẽ không quy chụp trẻ với những câu như “Con hư lắm” “Con không chia sẻ đồ chơi là con ích kỉ”…

Hãy nghĩ đơn giản hơn rằng: Con chưa biết làm việc đó vì con chưa được học để làm.

Và như vậy thì nhiệm vụ của người lớn chúng ta là DẠY TRẺ HỌC CÁCH CHIA SẺ mà thôi.

1. Dạy trẻ chia sẻ từ những việc nhỏ:

Một đứa trẻ có thể được dạy để hiểu một số quy tắc cơ bản thông qua các trò chơi:

– Chơi các trò mà trẻ phải chờ đến lượt: 2 mẹ con đọc sách, mẹ giở 1 trang sách, đến trang sau bé giở, rồi trang tiếp theo lại đến lượt mẹ giở hoặc là trẻ ôm bạn gấu bông một phút, rồi lại đến lượt mẹ ôm gấu bông…

– Chơi các trò cho – nhận: mẹ đút cho trẻ 1 miếng táo, trẻ đút cho mẹ 1 miếng táo hay trẻ xúc cho mẹ 1 thìa cơm, mẹ gắp cho trẻ 1 miếng thịt…

Các trò chơi này giúp trẻ quen dần với việc chia sẻ cho người khác và chờ đến lượt mình. Trẻ sẽ dần nhận ra rằngchia sẻ là một việc rất vui và mình đưa cho người khác cái gì đó không có nghĩa là mình sẽ mất hẳn.

2. Thỏa thuận thời gian chơi, dạy trẻ luân phiên chơi:

Nếu trẻ không muốn chia sẻ một thứ gì đó thì chúng ta hãy giao hẹn thời gian: ví dụ “Hãy giao hẹn rằng con bạn sẽ chơi trong 5 phút và sau đó, khi đồng hồ báo hết giờ, đến lượt chị gái chơi trong 5 phút”. Điều này sẽ chỉ cho con bạn cách thay phiên nhau và cũng cho con biết rằng việc cho mượn đồ chơi của bạn ấy không phải là vĩnh viễn.

3. Tôn trọng quyền sở hữu:

Hãy hỏi mượn trẻ trước khi bạn lấy 1 món đồ nào đó của trẻ, và yêu cầu những người khác cũng làm như thế. Khuyến khích trẻ cho mượn, nhưng phải tôn trọng quyết định của trẻ. Đồng thời, bạn cũng nhắc nhở trẻ tôn trọng quyền sở hữu của người khác và luôn nhắc trẻ hỏi mượn trước khi lấy đồ của ai đó. Cha mẹ nên nhớ rằng khích lệ chứ không ép trẻ phải nhường, phải chia sẻ.

Trẻ sẽ có những món đồ yêu thích và cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ cùng người khác thì cha mẹ đừng nên ép buộc con chia sẻ. Khi có bạn tới chơi, cha mẹ có thể đồng ý cho trẻ cất những món đồ chơi đó, hướng trẻ mang ra những món đồ chơi mà nhiều bé có thể chơi cùng như: sáp màu, giấy vẽ, đất nặn, lego, bộ ấm chén bát đĩa… Đừng mang ra nhiều những món đồ chơi có tính cá nhân vì như thế sẽ dễ dàng làm trẻ tranh giành với nhau. Hướng dẫn trẻ chơi với nhau và khen ngợi khi chúng biết chia sẻ. Nếu xảy ra tranh giành, cha mẹ hướng trẻ đang khóc đòi sang 1 trò chơi khác.

4. Cha mẹ làm gương cho trẻ:

Cách tốt nhất để dạy trẻ về tính hào phóng và sự chia sẻ là người lớn hãy làm gương cho trẻ chứng kiến. Ví dụ mẹ đề nghị: “Mẹ và con cùng ăn quả chuối này nhé! Con một nửa và mẹ một nửa” hay thỉnh thoảng, bạn hãy mua  cho trẻ 1 gói bánh hoặc trái cây rồi mang đến lớp để trẻ chia sẻ cho các bạn; hoặc cha mẹ cùng bé mang quà tới biếu ông bà…

Cùng trẻ làm từ thiện:Những ngày nghỉ là thời điểm lý tưởng để trò chuyện với con cái về việc chia sẻ với những người kém may mắn hơn. Trẻ có thể quyên góp một số đồ chơi hoặc quần áo mà trẻ không còn sử dụng nữa, hoặc bạn có thể đưa trẻ đến cửa hàng và nhờ trẻ chọn một vài món đồ chơi mới để làm từ thiện. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, cha mẹ có thể lựa chọn một số thông tin phù hợp để cho trẻ coi, để con thấy bên ngoài kia, có nhiều em bé bị bệnh, bị đau và thậm chí bạn còn không có đủ đồ ăn để ăn nữa. Rồi tùy theo lứa tuổi của trẻ, cha mẹ hãy cùng gợi ý cho con làm một việc gì đó để phần nào có thể giúp đỡ các bạn nhỏ khác.

5. Tạo hình huống để trẻ nhận thức lợi ích việc chia sẻ

Nếu con bạn luôn nói “không” khi được yêu cầu chia sẻ thì bạn hãy nghĩ ra tình huống đảo ngược vai trò giữa người được chia sẻ và người chia sẻ. Ví dụ: bạn hãy cùng con chơi một vài giờ và khi con bạn yêu cầu một thứ gì đó thì bạn chỉ cần nói “không”. Nếu con bạn cảm thấy khó chịu vì việc không được chia sẻ thì bạn hãy nói chuyện với con về cảm giác lúc này. Bạn giải thích cho con hiểu: nếu con không chia sẻ thì bạn cũng sẽ không chia sẻ và nhắc nhở con chia sẻ khi cần thiết.

Tuy nhiên, sẽ không có vấn đề gì nếu thỉnh thoảng con bạn không đồng ý chia sẻ vì điều ấy không biến trẻ trở thành người ích kỉ đâu. Bạn nên dạy trẻ cả cách chia sẻ và cách bảo vệ quyền lợi bản thân. Hay thậm chí, cha mẹ nên xem lại cách trò chuyện của mình với con, xem có phải chính mình là người thường cho trẻ câu trả lời “Không” hay không? Hãy học cách đưa thêm sự giải thích phù hợp cho con sau từ “không” đó nhé, để con cũng học theo điều tốt này.

6. Khen ngợi trẻ khi trẻ chia sẻ

Hãy khen ngợi trẻ khi trẻ đồng ý nhường cho bạn món đồ chơi. Thậm chí, sau đó bạn hãy nhắc lại chuyện trẻ hào phóng chia sẻ đồ chơi cho bạn trước mặt những người thân quen. Đồng thời, bạn nên nhắc trẻ rằng việc chơi chung, ăn cùng vui vẻ ra sao.

Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng trẻ lên 2 chưa sẵn sàng để chia sẻ.  Ở lứa tuổi này, trẻ coi bất kì thứ gì chúng sử dụng đều là của riêng chúng mà thôi. Đồng thời, trẻ cũng sợ rằng đưa cho người khác thứ gì đó thì sẽ mất luôn. Khoảng 1,5 – 2 tuổi là trẻ bắt đầu có ý thức về sự sở hữu, đồng thời cũng phát triển mạnh ý thức về “cái tôi” và làm mọi cách để khẳng định “cái tôi”. Điều đó khiến cho hai cụm từ “Không!” và “Của con!” trở thành cụm từ yêu thích của trẻ.    

Tất nhiên không phải bé nào cũng thế. Một số ít trẻ 2 tuổi hoàn toàn sẵn lòng chia sẻ đồ ăn với bạn và nhường đồ chơi khi bạn đòi. Nhưng hầu hết các bé ở lứa tuổi này CHƯA SẴN SÀNG ĐỂ CHIA SẺ. Vì thế chỉ cần trẻ đạt được một tiến bộ nhỏ xíu thôi (ví dụ như bé đồng ý cho bạn mượn đồ chơi nhưng sau một hồi thì khóc và đòi lại) thì bạn hãy cứ khen bé nhé.

Và lí do tại sao chúng ta lại bàn về Dạy trẻ cách chia sẻ vào lúc này, trong thời gian dịch bệnh và trẻ thì chỉ ở nhà thôi. Thì vâng, thưa ba mẹ, thời gian nghỉ dịch kéo dài, con sẽ quen với việc “mọi thứ đều là của mình” do đó, chúng ta cần lưu ý để có những tương tác phù hợp, giúp con xây dựng hoặc không bị mất đi khả năng biết chia sẻ (khi con đã có) nhé ạ. Bởi một em bé “hiểu chuyện” sẽ là một người trưởng thành “biết người biết ta”.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top