Cách dạy trẻ 1 tuổi biết nghe lời, không bướng bỉnh là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Hãy để Trường Neverland gửi tới quý phụ huynh một vài gợi ý nhé
Mục Lục
Giai đoạn phản kháng lần đầu
Các bậc phụ huynh thường nghe nói tới Khủng Hoảng lên 2-3 mà ít phụ huynh để ý đến một giai đoạn sớm hơn lúc lên 1 tuổi, khi các bé có những biểu hiện như: la hét, quăng đồ, dễ nổi cáu hoặc nói KHÔNG (nếu đã biết nói)… là lúc đang trong giai đoạn Phản Kháng lần đầu tiên (theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Thu, tác giả cuốn sách Kỉ luật mềm của trái tim)

Tầm 1 tuổi, thường thì con sẽ nói được những âm bập bẹ hoặc là những từ đơn nên ngôn ngữ của chúng chưa đủ để diễn đạt những điều bản thân mong muốn. Bên cạnh đó thì con đã bắt đầu nhận biết được bản thân mình và những người thân gần gũi. Việc trẻ có cảm xúc nhưng lại không thể truyền đạt được trở thành sự mâu thuẫn, xung đột dẫn đến sự phản kháng. Đồng thời, khi con thể hiện sự phản kháng có nghĩa là cái tôi của chúng bắt đầu hình thành, con ý thức về sự tồn tại của bản thân, và dần muốn khẳng định nó.

Thấu Hiểu Tâm Lý Của Con
Hiểu thêm về tâm sinh lí của con ở giai đoạn này sẽ giúp cha mẹ giải mã sự “bướng bỉnh” của con và có sự đồng hành của người lớn giúp con có thêm niềm tin vào cha mẹ cũng như thế giới xung quanh, là bước nền vững chắc để con phát triển trí thông mình cảm xúc (EQ)
Việc chúng ta dạy trong những tình huống trẻ 1 tuổi “bướng bỉnh” này một cách đúng đắn sẽ giúp cho con định hình được tính cách, nhân cách góp phần quyết định tương lai sau này của chúng.
Những Nguyên tắc Ứng Xử Của Cha Mẹ
Thấu hiểu và đồng cảm:
Cha mẹ hãy quan sát con thật nhiều để hiểu về những hành vi của con, bởi chúng chưa thể diễn đạt được điều mình muốn bằng lời nói trong khi con đã bắt đầu có chủ kiến, nên khi cha mẹ hiểu con và thể hiện điều đó qua những câu nói như: “À, con muốn lấy chiếc xe đỏ kia hả?” “Con ngứa ư, lại đây mẹ xoa giúp con nào!” “Con không thích sách này à? Vậy con chọn cuốn khác đi!” … sẽ giúp đứa trẻ cảm nhận được sự thấu hiểu mình của cha mẹ và trở nên tin tưởng và nghe lời cha mẹ hơn nữa.

Cha mẹ hãy luôn ghi nhớ rằng con làm gì cũng đều có lí do, nên hãy quan sát con thêm để hiểu lí do đằng sau hành động của chúng chứ đừng la mắng con với những câu chụp mũ như: Bướng bỉnh; Hư; Con không ngoan; đặc biệt phải tránh những câu như: Làm vậy bố/ mẹ sẽ không yêu con nữa; hay dọa nạt khiến con sợ những thứ mơ hồ hoặc không thực sự đáng sợ như: ông kẹ, ông râu dài, con chuột, con gián…
Cùng con tập gọi tên cảm xúc và cách giải quyết chúng tích cực:
Trẻ ở giai đoạn này sẽ có những cảm xúc như: vui_thích; tức giận_cáu gắt; đói bụng; khát nước_khát sữa; không vừa ý… nên cha mẹ hãy tận dụng khoảng thời gian con học nói này để dạy cho con sớm biết gọi tên cảm xúc mà con đang có và tìm cách giải quyết tích cực những cảm xúc này, ví dụ:
- Khi con nhìn thấy con mèo mà mắt sáng lên, miệng cười toe thì cha mẹ có thể trò chuyện cùng con: Ô, con mèo kìa. Bé thích con mèo hả? Bé vẫy tay gọi con mèo đi, bé meo meo gọi con mèo đi…

- Trong bữa ăn và con cầm đồ ăn ném đi một món nào đó, hoặc ba mẹ đút ăn một món mà con khóc la, hất đồ ăn đi thì cha mẹ có thể dựa theo quan sát của mình để phán đoán xem liệu đó có phải món ăn mà trẻ không thích không và trò chuyện với con: Con không thích cà rốt hả? Nếu con không thích món này thì con có thể để nó qua đây và chọn ăn món khác, đừng ném đồ ăn đi nha con/ Con có thể chọn món ăn mà con muốn ăn, nào con chọn đi, con muốn ăn món gì?
Việc cùng con gọi tên cảm xúc và dẫn dắt chúng vượt qua những cảm xúc đó sẽ giúp chúng trở thành người có khả năng kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của mình khi lớn lên.
Cha mẹ hãy luôn giữ bình tĩnh và giải thích với trẻ:
Cảm xúc của con nít dễ bị leo thang nếu cha mẹ tức giận với chúng, do đó quan trọng nhất là cha mẹ phải giữ được sự bình tĩnh của mình và tùy theo tình huống để giải thích, cha mẹ có thể gặp phải những phản ứng như sau:
- Con giãy giụa, khóc gào và không biết nghe lời, lúc này hãy giúp chúng bình tĩnh lại trước. Ở lứa tuổi này, đánh trống lảng sang một điều gì đó sẽ giúp chúng nín khóc rất nhanh “Ô, con mèo, nó đang chạy bên kia phải không nhỉ, meo meo, mèo ơi” rồi một lát sau mới quay lại chủ đề lúc trước bị ngắt quãng “Giờ thì mẹ thay tã và áo quần cho con nha, rồi mẹ con mình đi xem con mèo ở đâu rồi, ra ngoài thì mình phải mặc áo quần vào nào”

- Trẻ tiếp tục làm điều cha/ mẹ đang cố gắng ngăn lại như: kéo đồ chơi/ đồ dùng ở trên tủ/ kệ; sờ vào đồ điện; ném đồ chơi/ đồ dùng… Trước tiên cha mẹ cần hiểu ở lứa tuổi này, con có nhu cầu khám phá thế giới xung quanh và con cũng chưa có khái niệm về “đau” hay “nguy hiểm” do đó, cha mẹ cần sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để con mình có được sự an toàn cao nhất có thể, để con không phải nghe cha mẹ suốt ngày nói KHÔNG ĐƯỢC: Con không được làm cái này, con không thể làm cái kia…
Câu nói này vô tình sẽ khiến chúng càng tiếp tục làm hành động đó; hoặc sẽ chẳng dám làm gì ngay cả khi con đã lớn lên. Đồng thời, hãy dạy dần cho con những bài học cụ thể như: Trong bữa ăn, với cái nồi cơm điện còn nóng tương đối, khi con muốn sờ vào nó thì hãy nói cùng con “Nồi cơm còn nóng nha con, con cần cẩn thận khi sờ vào nồi cơm đó” và mẹ có thể làm ngay thao tác “cẩn thận khi sờ” cho trẻ trực quan thấy

và thường thì chúng sẽ sờ ngay sau bạn, lúc này mẹ hãy nói “đó, nồi nóng đó, con thấy không” để con có cơ hội tự trải nghiệm và học được từ “nóng” và có sự cẩn thận (như đã quan sát mẹ làm) cho những lần sau mà mẹ nhắc từ “nóng” Và nếu bạn có một em bé xông xáo, mau quên, hãy lặp lại bài học đó với độ nóng tăng lên một chút.
Kiên trì những ngày đầu và thu trái ngọt dài lâu sau này nhé cha mẹ ơi. Chúc cha mẹ thành công và cùng con vượt qua giai đoạn này một cách vui vẻ!
Bên cạnh đó cha mẹ có thể tham khảo thêm lớp Blue Dophin tại mầm non Neverland. Tại đây các cô giáo luôn đồng hành với các bé lớp Blue Dolphin lứa tuổi 1-2,5 để giúp trẻ phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ)
>>> Xem ngay chi tiết lớp Blue Dolphin